Trong những buổi chiều đầu hè, đi qua đoạn đường dẫn tới khu chợ, trước cổng Trạm kiểm soát biên phòng xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu), sẽ thấy tấp nập kẻ mua người bán một loài cây mà bây giờ đã được coi là quý hiếm. Đó là cây lan kim tuyến…
Đây là một loài lan đất sinh sống trên các triền núi đá vôi, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to trong rừng ẩm ở độ cao 500-1.600 mét. Cây ưa độ ẩm cao và ưa bóng râm, kỵ ánh sáng, yêu cầu đất nhiều mùn, tơi xốp, thoáng khí. Lá hình trái xoan hoặc hình trứng, gần tròn ở gốc và nhọn ở đầu, mặt trên màu nâu sậm có vệt vàng ở giữa và mạng gân màu hồng nhạt, mặt dưới màu nâu nhạt. Người Tày ở Bình Liêu gọi cây này là nhả nộc péc. Trong y học, lan kim tuyến được sử dụng làm thuốc trị nhiều bệnh mãn tính. Với đặc tính quý giá về dược liệu, lan kim tuyến được thị trường thu mua với giá khá cao. Do số lượng ít, mọc rải rác và còn bị khai thác quá nhiều nên cây đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 2007 và bị cấm khai thác sử dụng với mục đích thương mại…
Tuy nhiên, như nói ở trên, chuyện mua bán lan kim tuyến ở Đồng Văn không phải là chuyện hiếm gặp! Tôi hỏi những người đang giở những túi lan kim tuyến của mình ra để quạt cho đỡ ướt trước khi cân cho thương lái thì được biết đa số họ là người xã Húc Động. Cũng dễ hiểu bởi vì bây giờ ngoài đại ngàn Thông Châu của xã Húc Động, còn rất ít cánh rừng còn giữ được vẻ nguyên sơ, thích hợp cho loài cây này sinh trưởng. Tôi còn nhớ hơn chục năm về trước, thương lái Trung Quốc có thu mua với giá vài chục ngàn tiền Việt Nam cho 1kg cây tươi, lấy cả rễ. Thời đó người dân cũng đã săn tìm để bán cho thương lái Trung Quốc, nhưng không ráo riết như bây giờ. Được biết Trung Quốc hiện đang thu mua với giá 1.800.000 đồng/kg. Hỏi xem mỗi ngày kiếm được nhiều không thì ai cũng hồ hởi trả lời, người thì được 3 lạng, người thì được 5 lạng, người nhiều thì khoảng 8 lạng. Tất cả các cây đều bị nhổ cả rễ. Để có được số cây đem đến đây bán, mọi người phải đi từ mờ sáng, mang theo cơm nắm, luồn tìm từng ngóc ngách của rừng sâu. Vài người cùng với việc bán lan kim tuyến, còn mang theo cả những con rùa vàng, cũng là động vật quý hiếm, để bán cho thương lái Trung Quốc với giá từ 100 đến 300 nghìn, tuỳ kích cỡ của rùa. Như vậy, không chỉ cây lan kim tuyến, mà những chú rùa núi cũng không thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng…
Trong câu chuyện thân tình với tôi, họ đều nói là đi tìm cây để bán vì được giá cao, hơn cả công làm thuê một ngày gấp nhiều lần. Không một ai biết rõ Trung Quốc mua để làm gì, đồng nghĩa là việc không ai biết giá trị thực của loài cây này. Hỏi xem mai còn đi tìm cây nữa không thì ai cũng háo hức nói “Đi chứ! Không tìm được cây nhiều thì biết đâu lại bắt được rùa. Cái nào Trung Quốc nó cũng mua với giá cao mà!”…
Tôi không dám bàn sâu xem trách nhiệm thuộc về ai, chỉ trăn trở lo lắng rằng nếu cứ thế này, những cây lan kim tuyến ở Bình Liêu mai sau sẽ chỉ còn trong các câu chuyện cổ tích: “Ngày xửa ngày xưa có một loài cây đẹp như trong truyện thần tiên…” mà thôi!
Tô Đình Hiệu (Giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Đồng Văn, Bình Liêu)
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét